Bao bì Việt Nam trên đường hội nhập


Qua đối thoại các ông Phạm Nhật Thăng và ông Hoàng Chí Dũng cho biết trong các năm gần đây và từ khi Việt Nam gia nhập vào WTO ngành bao bì Việt Nam đạt mức tăng trưởng 20-25% và có đóng góp không nhỏ trong việc xuất khẩu hàng hóa của một số ngành kinh tế trong nước. Bên cạnh đó ngành bao bì Việt Nam đã từng bước thay thế được các bao bì nhập từ nước ngoài do các doanh nghiệp sản xuất bao bì trong nước đã quan tâm đầu tư các máy móc, thiết bị hiện đại có năng suất và chất lượng cao, cụ thể đã đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về quy cách và chất lượng bao bì xuất khẩu của các nhà sản xuất nước ngoài như Công ty LG, Canon, Deawoo…

Ông Dũng cho biết trong 15 năm qua, chưa bao giờ ngành bao bì lại đứng trước các khó khăn thử thách do giá nguyên liệu liên tục tăng cao từ tháng 08 năm ngoái cho đến nay, có những mặt hàng tăng đến 200%, còn đa số các nguyên liệu khác như giấy nguyên liệu tăng 60-80%, trong khi đó giá bán lại tùy từng khách hàng chỉ tăng được từ 40-50%. Tình hình này đã dẫn đến việc một số doanh nghiệp nhỏ gặp rất nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng và việc dự trữ nguyên liệu sản xuất từ 04 tháng đến nay chỉ còn 01 tháng.

Thuế nhập khẩu giấy nguyên liệu hiện  ở mức từ 5%-17% cũng là một khó khăn trở ngại cho ngành bao bì…Để ngành bao bì Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và mở rộng đáp ứng được các yêu cầu cao và đa dạng của các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu, ông Phạm Nhật Thăng đề nghị cần xem ngành công nghiệp bao bì là ngành kinh tế quan trọng, các dự án của ngành bao bì được xem là ngành kinh tế trọng điểm phục vụ cho nền kinh tế của đất nước được vay vốn với lãi suất ưu đãi, ngành bao bì cần hoạch định những chương trình kinh tế dài hạn nhằm bảo vệ môi trường cùng lập các Trung tâm đào tạo cho ngành công nghiệp bao bì Việt Nam, khuyến khích phát triển và ổn định nguồn nguyên liệu cung cấp cho ngành bao bì trong nước…